Trong thực tế cuộc sống, chúng ta thường được chứng kiến và nghe nhiều những câu chuyện về lòng tự trọng, và đây cũng là một dạng bài tập kể chuyện mà các học sinh sẽ được học vào năm lớp 4. Để các bé có thể thực hiện tốt bài tập này, bố mẹ có thể cho con tham khảo cách lập dàn ý chi tiết được World Research Journals hướng dẫn ngay sau đây nhé…
Dàn ý mẫu để kể những câu chuyện ngắn về lòng tự trọng

Bao giờ cũng vậy, trước khi bước vào viết một bài tập làm văn hoặc kể một câu chuyện theo chủ đề nhất định, việc quan trọng nhất là lập dàn ý chi tiết. Sau khi có được dàn ý chi tiết chuẩn, việc triển khai các nội dung tiếp theo sẽ tương đối dễ dàng, và đối với việc kể câu chuyện về lòng tự trọng lớp 4, các em có thể tham khảo cách lập dàn ý sau:
Mở bài
Nêu những nét tổng quát nhất về lòng tự trọng và câu chuyện mà các em đang muốn kể với mọi người. Câu chuyện xảy ra ở đâu? Chuyện gồm có sự tham gia của những nhân vật nào? Cuối phần mở bài các em có thể thêm vào một câu hỏi để tăng tính kích thích cho người nghe, ví dụ: Câu chuyện sẽ diễn biến như thế nào? Hãy nhớ theo dõi kỹ lời kể của mình nhé…
Thân bài
Đây là lúc chúng ta đi vào chi tiết của câu chuyện về lòng tự trọng. Ở phần này, người kể sẽ nói đến các chi tiết chính của câu chuyện: Tại sao lại biết đến câu chuyện đó (trực tiếp chứng kiến, nghe người khác kể lại,…), những nhân vật trong câu chuyện đó là ai, câu chuyện diễn ra như thế nào,… là những câu hỏi bạn cần giải đáp để lập được dàn ý cho đoạn này.
Tiếp đến, để kết thúc phần thân bài, người kể cần nêu được ý nghĩa của câu chuyện về lòng tự trọng mà mình vừa kể và bài học rút ra được.
Kết bài
Tổng kết lại vấn đề bằng cách nhấn mạnh ý nghĩa của hành động thể hiện lòng tự trọng đã được nói đến trong bài và những bài học rút ra cho bản thân và mọi người.
Bài mẫu kể một câu chuyện về lòng tự trọng lớp 4
Sau khi biết cách lập dàn ý mẫu để kể những câu chuyện ngắn về lòng tự trọng, các bạn có thể tham khảo bài kể sau để biết cách áp dụng điều đó vào thực tế bằng câu chuyện kể ngắn sau đây:
Lòng tự trọng là một phẩm chất tốt đẹp của con người, và dù trong hoàn cảnh nào chúng ta cũng cần cố gắng giữ gìn nó. Hôm nay tớ sẽ kể cho các bạn nghe một câu chuyện về lòng tự trọng mà tớ đã tận mắt chứng kiến vào hôm qua khi đi ăn sáng cùng bố mẹ, câu chuyện về một bạn gái bán vé số làm tớ nhớ mãi…
Lúc đó quán ăn khá đông khách, và mọi người đang ăn thì có một bạn gái cũng cỡ tuổi tớ bước vào, tay cầm theo một tập vé số để bán phụ bố mẹ. Bạn ấy mời mọi người mua, nhưng hầu như không mấy ai quan tâm, nên tớ thấy mặt bạn buồn lắm…
Khi đó bố tớ đã chủ động gọi bạn ấy đến, đưa cho bạn 20 ngàn đồng rồi bảo: Chú không có thói quen mua vé số, tiền này chú cho con vì con còn nhỏ nhưng đã rất cố gắng để giúp đỡ ba mẹ, nha. Khi nhận tiền từ tay bố tớ, bạn ấy cười rất tươi và nhẹ nhàng nói: Con cám ơn chú, nhưng con bán vé số chứ con không phải ăn xin ạ. Chú cho con gửi 2 tấm vé, con cám ơn nhiều ạ.
Hành động của bạn ấy làm bố tớ rất ngạc nhiên, nhưng ông đã rất vui khi nhận 2 tờ vé số từ tay bạn gái đó. Riêng đối với tớ thì đó chính là bài học về lòng tự trọng sinh động nhất mà tớ đã được tận mắt chứng kiến. Và tớ cũng nhớ về nụ cưới của bố, chắc hẳn ông đã rất vui lòng và có ấn tượng tốt đẹp về bạn đó, dù chỉ vừa gặp chưa đến 10 phút đồng hồ…
Sau việc đó, tớ tự hứa sẽ luôn cố gắng giữ lòng tự trọng của mình để được mọi người yêu thương, tôn trọng, và các bạn cũng hãy thế nhé. Câu chuyện về lòng tự trọng mà tớ muốn kế đến đây là hết rồi, rất cám ơn các bạn đã lắng nghe.
Sau khi xem xong bài viết này, các bạn sẽ thấy rằng việc kể câu chuyện về lòng tự trọng không phải là việc quá khó khăn đúng không? Hãy lấy giấy viết ra để lập dàn ý và tự kể những câu chuyện ngắn về lòng tự trọng cho bố mẹ và người thân của mình nghe ngay thôi nào.