câu đặc biệt
Kiến thức học tập

Thế nào là câu đặc biệt? Tác dụng, ví dụ câu đặc biệt

Câu đặc biệt là một trong những kiến thức quan trọng trong chương trình Trung học cơ sở, cụ thể là môn Ngữ Văn 7. Song, vẫn còn khá nhiều em học sinh chưa nắm rõ khái niệm câu đặc biệt là gì cũng như làm bài tập vận dụng về những câu đặc biệt. Vì thế, trong bài viết này World Research Journals đã tổng hợp toàn bộ các kiến thức liên quan đến câu đặc biệt, mời phụ huynh và các em cùng tham khảo nhé!

Thế nào là câu đặc biệt?

câu đặc biệt là gì
Một ví dụ của câu đặc biệt dùng để bộc lộ cảm xúc

Câu đặc biệt là câu không có cấu tạo theo mô hình cụm chủ ngữvị ngữ như các câu thông thường. Hay nói cách khác, câu đặc biệt là kiểu câu không tuân theo bất kỳ quy tắc ngữ pháp nào.  

Ví dụ về câu đặc biệt:

Ví dụ 1: Lan ơi! Vào đây mẹ bảo.

Ví dụ 2: Trời ơi! Thật không thể tin được!

Ví dụ 3: Ôi! Đẹp quá!

Câu đặc biệt có tác dụng gì?

ví dụ về câu đặc biệt
Câu đặc biệt có rất nhiều tác dụng

Câu đặc biệt được sử dụng phổ biến trong giao tiếp hàng ngày và trong văn học với các mục đích cụ thể:

Xác định thời gian và địa điểm

Ví dụ: “Đêm Noel. Nhìn người ta đoàn viên bên gia đình mà tim tôi chợt thắt lại.”

Trong ví dụ trên: “đêm Noel” là một câu đặc biệt dùng để xác định thời gian.

Dùng để bộc lộ cảm xúc

Ví dụ: “Hên quá! Vừa về đến nhà thì trời mới đổ mưa!”

Trong ví dụ trên: “Hên quá!” là câu đặc biệt dùng để thể hiện cảm xúc vui mừng của người nói về việc không bị dính mưa vì vừa về kịp đến nhà.

Chức năng gọi – đáp

Ví dụ 1: “An ơi! An ơi! – Bình kêu lên khi thấy bóng người quen thuộc giống con bạn thân lướt ngang qua”.

Trong ví dụ trên: “An ơi! An ơi!” là câu đặc biệt dùng để gọi đáp. 

Ví dụ 2: “Mai ơi! Đi thôi!” – “Vâng ạ”

Trong ví dụ trên:  “Mai ơi!” là câu đặc biệt được dùng với chức năng gọi. Còn “Vâng ạ!” là câu đặc biệt có chức năng dùng để đáp lại.

câu đặc biệt có tác dụng gì
Tác dụng của câu đặc biệt là để gọi đáp

Dùng để liệt kê, thông báo sự có mặt của sự vật, hiện tượng

Ví dụ: “Đêm đông tại Hà Nội. Rét. Mưa phùn. Gió bấc.”

=> “Rét. Mưa phùn. Gió bấc.” là những câu đặc biệt dùng để liệt kê thời tiết tại Hà Nội vào đêm mùa đông.

Phân biệt câu đặc biệt và câu rút gọn

Về mặt hình thức, câu đặc biệt và câu rút gọn khá giống nhau nên không tránh khỏi trường hợp các em học sinh nhầm lẫn giữa hai loại câu này. Vì vậy, trước khi chỉ ra các điểm khác biệt giữa câu đặc biệt và câu rút gọn, các em hãy học cách phân biệt 2 loại từ này qua các ví dụ sau nhé:

Ví dụ 1: Ăn. Uống. Ngủ. Nghỉ.

Ví dụ 2: Người ta ăn. Uống. Ngủ. Nghỉ.

Trong hai ví dụ trên, ví dụ 1 thuộc trường hợp câu đặc biệt, còn ví dụ 2 là câu rút gọn. Qua đó, các em có thể ghi nhớ điểm khác biệt của hai loại câu này như sau:

Câu đặc biệt Câu rút gọn
Không được cấu tạo theo mô hình cụm chủ – vị. Bởi vậy, chúng ta không thể khôi phục được các bộ phận đó trong câu. Là câu bị lược bỏ thành phần chủ ngữ, hoặc vị ngữ, hoặc cả chủ ngữ và vị ngữ. Vì vậy, có thể khôi phục lại những thành phần đã bị lược bỏ.
Ví dụ: Trời ơi! Cái gì thế kia?

=> “Trời ơi!” là câu đặc biệt và nó không được cấu tạo theo cấu trúc chủ ngữ – vị ngữ nên chúng ta không thể khôi phục được.

Ví dụ: “Ai là người lớp trưởng? – Ngọc ạ.”

Thì “Ngọc ạ” là câu đã bị rút gọn phần vị ngữ. Vì thế, chúng ta có thể khôi phục câu đầy đủ ví dụ như: “Ngọc là lớp trưởng của lớp này ạ”.

 

Một số dạng bài tập về câu đặc biệt

Dạng 1: Xác định câu đặc biệt, câu rút gọn trong đoạn văn cho trước

Để làm được dạng bài tập này, các em học sinh cần phải vận dụng các kiến thức về đặc điểm của câu đặc biệt và cả câu rút gọn để tránh nhầm lẫn.

Bài tập: Câu nào sau đây là câu đặc biệt?

  1. Xin chào. Tớ tên là Mai Anh.
  2. Ba giúp con làm bài tập với ạ! – Ừ.
  3. Lạ thật! Mới để cái bút ở đây giờ tìm không thấy là sao?

Đáp án: Các câu đặc biệt lần lượt là:

  1. Xin chào.
  2. Ừ.
  3. Lạ thật!

Dạng 2: Xác định tác dụng của câu đặc biệt và câu rút gọn

Dạng bài này vừa tổng hợp kiến thức về câu đặc biệt vừa giúp các em tăng khả năng cảm thụ văn học.

Bài tập: Xác định tác dụng của những câu đặc biệt sau:

  1. Ôi! Cái ví xinh quá!
  2. Một ngày nọ. Mạnh bỗng phát hiện ra bí mật của thằng bạn cùng bàn.
  3. Sáng thức dậy ở một nơi xa. Tiếng ve. Tiếng chim. Tiếng gió.

Đáp án:

  1. Ôi! => câu đặc biệt dùng để bộc lộ cảm xúc ngạc nhiên, vui mừng
  2. Một ngày nọ => câu đặc biệt để chỉ thời gian
  3. Tiếng ve. Tiếng chim. Tiếng gió => câu đặc biệt để liệt kê

Dạng 3: Em hãy viết một đoạn văn ngắn có sử dụng câu đặc biệt và chỉ ra tác dụng của chúng 

Hướng dẫn: với dạng bài này, các em chỉ cần viết nội dung đoạn văn đúng với yêu cầu đề bài và chèn các câu đặc biệt vào. Sau đó sử dụng kiến thức đã nêu ở trên để xác định tác dụng của chúng trong đoạn văn.

Hy vọng qua bài viết trên sẽ giúp phụ huynh và các em học sinh hiểu rõ hơn về câu đặc biệt, tác dụng của câu đặc biệt, biết phân biệt nó với câu rút gọn. World Research Journals chúc các em học tập thật tốt!

Xem thêm